Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Bão Phác Tử
doanh hư 盈虛
tt. <Đạo> đầy vơi, được mất, thịnh suy, thành bại, trỏ hai mặt đối lập trong cuộc sống, đó là lẽ thường hằng của đại đạo (tự nhiên). Sách Trang Tử thiên Thu thuỷ ghi: “Xét rõ việc doanh hư rồi, thì có được cũng chẳng vui, có mất cũng chăng buồn” (察乎盈虚,故得而不喜,失而不憂). Lưu Thiệu đời Tam Quốc trong nhân vật chí viết: “cũng như đất trời khí hoá, được mất đầy vơi, ấy là cái quy luật của đạo vậy” (若夫天地氣化,盈虚損益,道之理也). Cát Hồng đời Tấn trong Bão Phác Tử ghi: “Hoạ phúc đan cài trong miền hư thực; hưng phế triền miên giữa khoảng đầy vơi.” (禍福交錯乎倚伏之間,興亡纏綿乎盈虚之會). Mới biết doanh hư đà có số, ai từng cải được lòng trời. (Tự thán 85.7, 104.2). x. tiêu trưởng.
hùm nằm chực 𤞻𦣰直
đc. hổ nằm phủ phục bên cạnh. Chường thiền định, hùm nằm chực, trái thì trai, vượn nhọc đam. (Thuật hứng 64.3), trong rừng thiền, người tu hành đắc đạo nắm được lẽ màu, có thể cảm hoá được muông thú. Nguyễn Trãi trong bài Du nam hoa tự có câu: “hàng long phục hổ cơ màu huyền diệu sao?” (降龍伏虎機何妙 hàng long phục hổ cơ hà diệu) [ĐDA 1976: 745]. Nguyên từ điển ngữ hàng long phục hổ (khiến rồng hổ đều phải hàng phục). Phật giáo và Đạo giáo đều có điển này. Sách Bão Phác Tử ghi: “Đạo sĩ triệu bính dùng hơi mà ngăn người, người chẳng thể đứng dậy, ngăn hổ, hổ gục xuống đất, gằm đầu nhắm mắt, liền trói được hổ.” (道士趙炳 ,以氣禁人,人不能起。禁虎,虎伏地,低頭閉目,便可執縛). Đạo Tuyên trong Tục Cao Tăng Truyện phần Tập thiền truyện tăng trù có đoạn: “sư nghe thấy hai hổ đánh nhau, thét gầm chuyển núi, bèn dùng tích trượng đánh giải, hai hổ chạy mất” (聞两虎交鬭,咆响振巖, 乃以錫杖中解,各散而去). Đạt ma đa la (dharmatrāta) một a la hán thần thông tự tại, thường du hoá trong nhân gian, giảng kinh thuyết pháp, gặp tai nạn liền ra tay cứu giúp. Tôn giả đã ba lần thu phục một con hổ dữ đem nó về núi cho tu, đi đâu thì dẫn theo, nên được xưng danh là la hán phục hổ, cùng với la hán hàng long là hai vị được đưa thêm vào danh sách thập lục la hán để trở thành biểu tượng của sự cảm hoá bằng trí tuệ và đạo pháp.